Áp lực đối với ngành thép khi tham gia TPP

(08/12/2015 - 09:40:17)

Với quy mô nhỏ, vốn mỏng, thiếu năng lực trong việc giải quyết các tranh chấp về phòng vệ thương mại,…ngành Thép Việt Nam sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, một trong những ngành sẽ phải chịu áp lực lớn khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực chính là ngành thép của Việt Nam. Hiện tại, các doanh nghiệp thép tại Việt Nam đang phải cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là thép Trung Quốc. Khi hội nhập, các hàng rào thuế quan sẽ dần được gỡ bỏ, tạo điều kiện cho hàng loạt các mặt hàng giá rẻ tràn vào nước ta. Lúc đó, các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà. Tổng công suất sản xuất thép xây dựng Việt Nam đã đạt hơn 11 triệu tấn, trong khi khả năng tiêu thụ chỉ khoảng sáu triệu tấn. Năm nay, thị trường thép bắt đầu quá trình đào thải một cách quyết liệt, chứng kiến sự “biến mất” của một số tên tuổi. Sự yếu thế cả về vốn và nguồn nhân lực khiến cho các doanh nghiệp thép của Việt Nam không thể đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, ngành thép còn phải đối phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài. Chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, ngành thép đã bị các nước kiện chống bán phá giá tới ba lần, nếu tính từ khi tham gia xuất khẩu, con số này lên tới vài chục lần. Nhiều chuyên gia phân tích, để bảo vệ sản xuất trong nước, Việt Nam cần chú trọng đến các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp. Tuy nhiên, những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan quản lý cũng chỉ có tính tạm thời. Do đó, các doanh nghiệp thép phải chấp nhận nguyên tắc cạnh tranh với sản phẩm của các nền kinh tế khác.

Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ được bảo hộ trong vài năm đầu, đây là thời gian “vàng” để các doanh nghiệp tái cơ cấu, chuẩn bị nội lực cạnh tranh. Những doanh nghiệp nào không bứt phá để phát triển, việc bị đào thải là tất yếu và cần thiết để ngành phát triển thật sự trong tương lai. Do đó, muốn tồn tại trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp phải luôn nỗ lực trong việc nâng cao khả năng quản lý, sức cạnh tranh của sản phẩm; tự trang bị những kiến thức, hiểu sâu về luật lệ, các công cụ phòng vệ trước các cuộc tranh chấp thương mại quốc tế và đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển./.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất