Phát triển nhanh nhưng phải bền vững

(13/09/2019 - 02:11:43)

Ngày 12/9, Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” đã khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện do Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tổ chức.

Hội nghị được đặt trong bối cảnh 10 năm tới (2020 - 2030). Đây là thời gian quan trọng được coi là “nước rút” để Việt Nam hoàn thành chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV), bao gồm 115 chỉ tiêu cụ thể trong nhiều lĩnh vực. Hội nghị đã thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng như thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nhân rộng mô hình hợp tác công tư, cải thiện nguồn nhân lực hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và PTBV.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chủ trương phát triển bền vững đã được nhất quán và lồng ghép xuyên suốt trong mọi chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Đặc biệt, cần sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP để thay đổi mô hình PPP như hiện nay. PPP là một cơ chế mới để cộng sinh hài hòa giữa khu vực kinh tế tư nhân và Nhà nước. Tư nhân chung tay với Nhà nước trong việc phát triển các cơ sở hạ tầng của nền kinh tế và trong mọi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong điều kiện mà nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, ODA không còn, thì PPP và việc huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng. Nhưng PPP không chỉ là sự chung tay giữa Nhà nước và tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn cần được mở rộng ra các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp quan trọng đóng vai trò dẫn dắt, bảo đảm yêu cầu tự chủ của nền kinh tế. VCCI đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật PPP và tăng cường các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường PPP, thành lập quỹ phát triển PPP quốc gia…

Một thách thức quan trọng là Việt Nam chỉ có 8% lao động có trình độ đại học; 80% - 85% doanh nghiệp phàn nàn vì khó tuyển dụng lao động có kỹ năng quản trị và tay nghề kỹ thuật. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nền kinh tế chưa sẵn sàng cho nền kinh tế số mà chất lượng nguồn nhân lực là một rào cản. Vì vậy, quốc sách về giáo dục cần được đẩy mạnh PPP và vai trò của tư nhân trong lĩnh vực đào tạo cần phải đóng vai trò then chốt.

Việt Nam cần cải cách các chương trình mục tiêu quốc gia; cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, để từ đó tạo nên kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, PTBV vừa là nhu cầu cấp bách vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển. Do đó, chủ trương PTBV đã được nhất quán và lồng ghép xuyên suốt trong mọi chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, phát triển nhanh, phát triển cao nhưng phải bền vững. Vì không phát triển nhanh là sẽ tụt hậu, đi sau các nước, phải phát triển tốc độ cao để nâng cao vị thế Việt Nam. Nhưng phải khẳng định phát triển cần bền vững. “Toàn cầu hóa với công nghệ làm thay đổi tư duy và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa là giá đỡ cho sự phát triển lâu dài”, Thủ tướng kết luận./.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất